Khi giao dịch mua bán cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ…nhà đầu tư sẽ gặp rất nhiều loại Thuế và Phí giao dịch chứng khoán. Ví dụ như thuế thu nhập, phí lưu ký chứng khoán, phí mua, phí bán…..Đây là những khoản chi phí nhà đầu tư bắt buộc phải nắm được vì nó trực tiếp ảnh hướng đến kết quả đầu tư của bạn. Vậy nên qua bài viết này, Tuonglaitiente.com sẽ tập trung giải thích những loại Thuế và Phí áp dụng cho nhà đầu tư cá nhân khi giao dịch chứng khoán.
Phí giao dịch chứng khoán (mua-bán cổ phiếu)
Phí giao dịch chứng khoán là khoản chi phí mà khách hàng phải trả cho công ty chứng khoán khi giao dịch thành công trên cơ sở sử dụng dịch vụ của công ty đó. Bởi vậy nên phí giao dịch chứng khoán còn được gọi là phí môi giới chứng khoán.
Cách tính: Phí giao dịch được tính bằng phần trăm giá trị giao dịch trong ngày của khách hàng. Mức phần trăm bao nhiêu là do công ty chứng khoán quy định và được điều chỉnh dựa trên độ lớn của giá trị giao dịch và vị thế của khách hàng (khách VIP, giao dịch nhiều thì phí thấp hơn).
VÍ DỤ:
Trong ngày 14/07/2020, bạn đặt MUA thành công 500 cổ phiếu Thế Giới Di Động (MWG) với giá 73.000 VND/cổ phiếu. Như vậy, tổng giá trị giao dịch trong ngày của bạn là: 500*73.000 = 36.500.000 VND. Giả sử mức phí tại công ty chứng khoán bạn đang giao dịch là 0.40% thì Phí giao dịch chứng khoán bạn phải trả cho lệnh MUA 500 cổ phiếu MWG là: 36.500.000*0.40% = 146.000 VND. Tổng cộng, bạn sẽ mất 36.500.000 + 146.000 = 36.646.000 VND cho giao dịch trên. Tiếp theo, 1 tuần sau khi bạn mua cổ phiếu MWG, giá cổ phiếu tăng lên 100.000 VND/cổ phiếu, bạn quyết định bán hết 500 cổ phiếu đi để hiện thực hóa lợi nhuận. Khi bạn BÁN thành công 500 cổ phiếu MWG với giá 100.000 VND, tổng giá trị giao dịch trong ngày của bạn là 500*100.000 = 50.000.000 VND. Với giao dịch BÁN, bạn cũng sẽ mất một khoản Phí Giao Dịch = 50.000.000*0.40% = 200.000 VND.
Một số quy định về phí môi giới chứng khoán theo luật hiện hành
Mức thu phí: Phí giao dịch chứng khoán không được vượt qua mức 0.5% của giá trị giao dịch và không quy định mức tối thiểu. Trên thực tế thì mức phí giao dịch hiện nay nằm trong khoảng 0.1 – 0.35%. Các công ty chứng khoán lâu đời thường có mức phí cao hơn các công ty mới. Nguyên nhân là do đã có tệp khách ổn định nên không cần hạ phí để thu hút khách mới.
Phí được tính cả KHI MUA và cả KHI BÁN: khi mua cổ phiếu bạn cũng phải mất phí, khi bán bạn cũng phải mất phí.
Phí được tạm tính khi đặt lệnh và được thực thu khi khớp lệnh thành công: Phí giao dịch được hệ thống tạm tính ngay khi bạn đặt lệnh và được hiển thị cùng với các thông số khác. Bạn chỉ mất phí khi khớp lệnh thành công. Nếu khớp lệnh không thành công hoặc bạn hủy lệnh thì hệ thống sẽ hoàn lại tiền vào tài khoản của bạn.
Càng giao dịch nhiều, mức phí càng rẻ hơn: Mỗi công ty chứng khoán tùy theo chiến lược kinh doanh sẽ đưa ra khung phí giao dịch khác nhau. Và phí giao dịch của khách hàng sẽ được tính tạm thời theo từng giao dịch riêng lẻ. Cuối ngày mức phí sẽ được quyết toán lại dựa trên lịch sử giao dịch của khách.
Ví dụ: Trong phiên sáng khách hàng bán 900 cổ phiếu VIC với giá 80,000đ/cp, giá trị giao dịch là 70 triệu đồng. Nhưng đến chiều khách hàng lại bán thêm 1000 cổ phiếu PNJ với giá 60,000đ/cp, giá trị giao dịch là 60 triệu đồng.
Nếu tính riêng từng giao dịch thì khách hàng phải chịu mức phí cho mỗi giao dịch là 0.35%. Tuy nhiên cuối ngày công ty sẽ quyết toán lại, khách hàng giao dịch tổng là 130 triệu đồng. Theo khung phí thì khách hàng chỉ phải mất mức phí 0.3%.
Biểu phí giao dịch
Biểu phí giao dịch của 10 công ty chứng khoán có thị phần cao nhất, theo Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HSX) như sau:
Công ty | Thị phần | Phí giao dịch (tổng giá trị giao dịch mỗi ngày trên một tài khoản) |
VPS | 13,24% | Giao dịch trực tuyến: 0,2% |
Giao dịch qua các kênh khác: – Dưới 100 triệu đồng: 0,3% – Từ 100 đến dưới 300 triệu đồng: 0,27% – Từ 300 đến dưới 500 triệu đồng: 0,25% – Từ 500 đến dưới 1 tỷ đồng: 0,22% – Từ 1 tỷ đến dưới 2 tỷ đồng: 0,2% – Từ 2 tỷ đồng trở lên: 0,15% | ||
SSI | 11,89% | Giao dịch trực tuyến: 0,25% |
Giao dịch qua các kênh khác: – Dưới 50 triệu đồng: 0,4% – Từ 50 triệu đến dưới 100 triệu đồng: 0,35% – Từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng: 0,3% – Từ 500 triệu đồng trở lên: 0,25% | ||
HSC | 8,23% | Giao dịch trực tuyến: 0,2% Riêng giao dịch từ 1 tỷ đồng trở lên là 0,15% |
Giao dịch qua các kênh khác: – Dưới 100 triệu đồng: 0,35% – Từ 100 đến dưới 300 triệu đồng: 0,3% – Từ 300 đến dưới 500 triệu đồng: 0,25% – Từ 500 đến dưới 1 tỷ đồng: 0,2% – Từ 1 tỷ đồng trở lên: 0,15% | ||
VNDS | 7,46% | Giao dịch trực tuyến: 0,15% |
Giao dịch qua các kênh khác: – Giao dịch độc lập: 0,2% – Giao dịch có hỗ trợ: 0,3% – Giao dịch qua môi giới: 0,35% | ||
VCSC | 5,62% | 0,15% đến 0,35% |
MAS | 4,41% | Giao dịch trực tuyến: 0,15% |
Giao dịch qua các kênh khác: – Dưới 100 triệu đồng: 0,25% – Từ 100 triệu đồng trở lên: 0,2% | ||
MBS | 4,07% | Giao dịch trực tuyến: 0,12% |
Giao dịch qua các kênh khác: – Dưới 100 triệu đồng: 0,3% – 0,35% – Từ 100 đến dưới 300 triệu đồng: 0,3% – 0,325% – Từ 300 đến dưới 500 triệu đồng: 0,25% – 0,3% – Từ 500 đến dưới 700 triệu đồng: 0,2% – 0,25% – Từ 700 triệu đến dưới 1 tỷ đồng: 0,15% – 0,2% – Từ 1 tỷ đồng trở lên: 0,15% | ||
TCBS | 3,6% | 0,1% trên tất cả các kênh giao dịch |
Với khách hàng đăng ký sử dụng Gói ưu đãi iWealth Pro hoặc Trial: 0,075% | ||
FPTS | 3,46% | – Dưới 200 triệu đồng: 0,15% – Từ 200 triệu đến dưới 1 tỷ đồng: 0,14% – Từ 1 đến dưới 3 tỷ đồng: 0,13% – Từ 3 đến dưới 5 tỷ đồng: 0,12% – Từ 5 đến dưới 10 tỷ đồng: 0,11% – Từ 10 đến dưới 15 tỷ đồng: 0,1% – Từ 15 đến dưới 20 tỷ đồng: 0,09% – Từ 20 tỷ đồng trở lên: 0.08% |
BCS | 3,25% | Gói tư vấn đầu tư online: 0,18% |
Gói chuyên gia tư vấn: 0,2% |
Chiến lược kinh doanh của công ty chứng khoán và cách tính phí: Phí môi giới chứng khoán thực chất là giá dịch vụ của các công ty chứng khoán. Hiện nay trên thị trường có khá nhiều công ty chứng khoán với quy mô khác nhau nhưng đều tuân theo 2 phương pháp tính phí chính. Đó là mức phí khách hàng tự giao dịch và mức phí có brokers hỗ trợ.
Đa số mức phí khách hàng được broker hỗ trợ sẽ cao hơn mức phí khi tự giao dịch.
Hiện nay có 3 công ty chứng khoán còn áp dụng mức phí giao dịch 0% là:
- CTCP Chứng khoán Pinetree (thành viên của Hanwha Group)
- CTCP Chứng khoán DNSE (DNSE)
- Công ty CP Chứng khoán AIS
Tuy nhiên dù có phí hay miễn phí thì Quý khách luôn chịu một khoản phí cố định là 0.027% (trước đây là 0.03%) trên tổng giá trị giao dịch trong ngày. Đây là phí trả cho Sở giao dịch chứng khoán (Sở giao dịch chứng khoán Tp Hồ Chí Minh – sàn HoSE và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội – sàn HNX) theo quy định của Bộ Tài Chính. Mức phí này thường đã bao gồm trong mức phí giao dịch của các công ty chứng khoán.
Phí lưu kí chứng khoán
Là khoản chi phí nộp cho VSD – Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam để đảm bảo quyền sở hữu chứng khoán trên tài khoản của khách hàng tại các Công ty chứng khoán.
Phí này được quy định khác nhau giữa các công ty chứng khoán nhưng không quá 0.5đ/cổ phiếu/tháng và là phí thu hộ VSD. Hiện tại mức phí lưu ký chứng khoán phổ biến được đa số công ty chứng khoán áp dụng là 0.27đồng/cổ phiếu/tháng. Phí lưu ký chứng khoán được tính trên số lượng cổ phiếu mà nhà đầu tư đang nắm giữ (không phân biệt đó là mã cổ phiếu nào hay giá hiện tại là bao nhiêu).
Phí lưu ký chứng khoán là rất nhỏ, không đáng để nhà đầu tư quan tâm.
Ví dụ bạn sở hữu 10.000 cổ phiếu Vietcombank (VCB) thì phí lưu lý 10.000 cổ phiếu VCB của bạn trong 1 tháng là:
0.27 x 10.000 = 2.700 đồng
Với chỉ 2.700 đồng (giá 1 gói mỳ tôm Hảo Hảo) là bạn đã đủ trả phí lưu ký cho 10.000 cổ phiếu. Thật sự là một con số rất rẻ phải không nào?
Thuế thu nhập cá nhân từ việc chuyển nhượng cổ phiếu (bán cổ phiếu)
Theo Luật chứng khoán, từ ngày 1/1/2015, việc chuyển nhượng chứng khoán được áp dụng mức thuế là 0.1%. Mức thuế này chỉ đánh vào bên bán còn bên mua không phải chịu.
Như vậy, khi bán chứng khoán, bạn sẽ phải chịu các loại thuế phí sau: Phí giao dịch + Phí lưu ký + Thuế TNCN
Thuế thu nhập cá nhân từ việc nhận cổ tức tiền mặt
Đây là loại thuế TNCN được áp dụng cho các cổ đông khi họ được nhận cổ tức. Mức thu cố định là 5%. Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế x thuế suất 5%.
Trong đó:
- Thu nhập tính thuế = Số lượng cổ phiếu thuộc diện chịu thuế x Giá tính thuế
- Giá tính thuế:
- Nếu Giá bán (giá chuyển nhượng) ≥Mệnh giá: Giá tính thuế = Mệnh giá
- Nếu Giá bán (giá chuyển nhượng) < Mệnh giá: Giá tính thuế = Giá bán (giá chuyển nhượng).
- Số lượng cổ phiếu thuộc diện chịu thuế: ưu tiên tính số lượng cổ phiếu từ việc nhận cổ tức cổ phiếu hoặc cổ phiếu thưởng.
Cách thu thuế này được áp dụng như sau:
Cục thuế yêu cầu công ty niêm yết chỉ trả 95% cho cổ đông, còn 5% cục thuế sẽ thu trực tiếp từ công ty niêm yết.
Ví dụ: Ngày 20/09/2020, Vinamilk (VNM) trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 20% tức là nhà đầu tư nhận được 2.000 đồng/cổ phiếu. Nếu nhà đầu tư sổ hữu 10.000 cổ phiếu VNM thì số thuế cổ tức phải đóng là:
10.000 cp x 2.000 đ/cp x 5% = 1 triệu đồng
Số tiền cổ tức nhà đầu tư thực nhận là: 10.000 cp x 2.000 đ/cp x 95% = 19 triệu đồng.
Để tra cứu các đợt trả cổ tức, khách hàng có thể truy cập vào vsd.vn hoặc website của công ty niêm yết để tra cứu.
Các loại thuế phí giao dịch chứng khoán khác theo quy định.
Còn một số loại thuế và phí khác được áp dụng trong các trường hợp cụ thể:
- Thuế phí liên quan đến vấn đề cho nhận, thừa kế chứng khoán.
- Phí chào mua công khai.
- Phí dịch vụ tin nhắn SMS, mua dịch vụ bảo mật Token.
- Phí khi khách hàng ứng tiền trước khi họ bán chứng khoán.
- Phí giao dịch ngoài sàn giao dịch.
Tổng kết
Bài viết trên đã tổng hợp các loại thuế và phí khi giao dịch chứng khoán. Khi bạn là nhà đầu tư mới bắt đầu giao dịch thường sẽ chọn những công ty miễn phí phí giao dịch. Tuy nhiên, không thể khẳng định các công ty chứng khoán miễn phí giao dịch, giảm nhiều loại phí sẽ có chất lượng tư vấn thấp. Ngược lại, các công ty thu phí cao chưa hẳn đã an toàn và chất lượng cho nhà đầu tư. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu được các loại thuế phí khi giao dịch chứng khoán.